Kỹ năng truyền thông trong chăm sóc người cao tuổi
Bài viết trải lòng chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác chăm sóc Người cao tuổi của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, với tâm huyết và tình yêu thương với người già, với nghề đã tạo rất nhiều cảm xúc bên cạnh đó là những chia sẻ về kĩ năng công việc trong công tác chăm sóc.
Bài viết trải lòng chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác chăm sóc Người cao tuổi của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, với tâm huyết và tình yêu thương với người già, với nghề đã tạo rất nhiều cảm xúc bên cạnh đó là những chia sẻ về kĩ năng công việc trong công tác chăm sóc.
Già thì mắt kém, tai lãng, đi lại khó khăn, mọi thứ lệ thuộc… nên dễ phiền lòng! Chút thì giận hờn. Chút thì trách cứ… Lẩm cẩm, lặp đi lặp lại hoài một chuyện. Chuyện mới thì quên. Chuyện xưa thì nhớ. Dưới đây là một vài kỹ năng để truyền thông tốt với người cao tuổi:
1. Khi “tiếp cận” các cụ, đừng xuất hiện đột ngột đầu giường dễ làm họ giật mình. Phải lên tiếng đánh động, tạo sự chú ý trước khi xuất hiện. Trí não các cụ không bắt nhịp nhanh như hồi còn trẻ đựơc, phải có thời gian để “định thần”, tập trung chú ý rồi mới khởi sự giao tiếp được! Nên phải từ tốn, chậm rãi. Dành thời gian.
2. Khi đứng hoặc ngồi thì chọn khoảng cách đủ gần để có thể nắm tay, ôm vai. Truyền thông không lời nói lên nhiều điều hơn ta tưởng. Mắt kém, nên cảm nhận qua tiếp xúc sẽ rất tốt. Nhớ luôn đứng phía đối diện, ngang tầm mắt. Như vậy các cụ có thể đọc được sự máy môi. Luôn giữ nét mặt vui tươi, ân cần, thực sự quan tâm chớ không phải quấy quá cho xong!
3. Môi trường tiếp xúc cần yên tĩnh, các cụ mới dễ tập trung, dễ nhìn, dễ nghe. Nơi đông đúc ồn ào dễ gây hoang mang, mất tập trung. Lúc nói chỉ nên một người nói. Không nên tay xách nách mang trong lúc nói dễ gây rối trí.
4. Ánh sáng phải vừa đủ để có thể nhìn mắt, nhìn môi người nói. Tránh đứng trong bóng tối. Giảm bớt ánh sáng nếu thấy quá chói. Mắt các cụ yếu, chói quá thì đồng tử sẽ co nhỏ, không nhìn thấy gì, nhất là ở người có bệnh cườm già!
5. Tránh nói to tiếng. Tránh hét vào tai. Nếu các cụ có mang máy nghe, phải đảm bảo máy đã mở, còn pin, đang hoạt động tốt. Nên nói chậm rãi và rõ ràng. Lúc nói phải nhìn vào mắt. Nói vừa đủ lớn nhưng không đựơc hét to. Không đựơc quát! “Tao có điếc đâu!”…
6. Dùng những từ đơn giản, cụ thể, những câu ngắn gọn. Lặp đi lặp lại đôi ba lần nếu cần. Khi cảm thấy các cụ chưa hiểu thì phải nói cách khác, dùng từ khác, cấu trúc câu khác cho dễ hiểu, dễ nghe hơn.
7. Mỗi lần chỉ nói một ý, một việc. Các cụ không thể cùng lúc nắm nhiều ý , nhiều thông tin, dễ bị “nhiễu”!
8. Khi cần hỏi cũng vậy. Mỗi lần chỉ hỏi một việc. Hỏi xong phải đợi một lúc để các cụ có thì giờ tập trung, ngẩm nghĩ và tìm từ diễn đạt.
9. Dặn dò điều gì thì nên nhắc lại các ý chính. Tóm tắt cho dễ nhớ. Thường các cụ không tiện hỏi lại. Hỏi lại chứng tỏ đầu óc lẩm cẩm, hay quên. Tốt nhất ghi ra giấy. Chữ phải rõ, to, chân phương, dễ đọc.
10. Sẵn sàng chấp nhận sự nhầm lẫn, sai sót, quên trước quên sau của các cụ. Sẵn sàng chấp nhận những cơn nóng giận, bực dọc bất thường của các cụ! Đợi một dịp khác thuận lợi hơn nếu lần này thất bại. Nếu cần, nhờ người nhà giúp đỡ, “phiên dịch” vì họ đã quen.
BS Đỗ Hồng Ngọc