Chăm sóc người cao tuổi - đạo làm con làm sao cho trọn ?
Chăm sóc người cao tuổi - làm sao giữ trọn chữ hiếu, vẹn đạo làm con và những điều tiếng từ xã hội và đây là một trong những tâm sự mà có không ít người gặp phải và băn khoăn. Chúng tay hãy cùng tham khảo để có những nhận định riêng cho mình nhé !
Chăm sóc người cao tuổi - làm sao giữ trọn chữ hiếu, vẹn đạo làm con và những điều tiếng từ xã hội và đây là một trong những tâm sự mà có không ít người gặp phải và băn khoăn. Chúng tay hãy cùng tham khảo để có những nhận định riêng cho mình nhé !
Một tháng sau khi bố mất, mẹ tôi ốm nặng, tưởng chừng không qua khỏi. Sau lần ấy, bà đổi tính, hay ngồi một mình, nói trước quên sau, có lần còn đi lạc.
ảnh minh họa
Bác sĩ kết luận bà bị chấn động thần kinh, có dấu hiệu nhũn não, nên tâm tính bất thường, dễ xảy ra nhiều chuyện khó lường, cần chữa trị lâu dài và luôn có người ở cạnh.
Lo lắng phần nào được giải tỏa khi chồng tôi đồng ý đưa bà về ở cùng để tiện chăm sóc. Nhưng chưa đầy một tháng, nếp sinh hoạt trong nhà tôi đảo tung, bầu không khí càng nặng nề, ngột ngạt. Bố mẹ chồng tôi nói thẳng chỉ ông bà hoặc mẹ tôi ở cùng vợ chồng tôi chứ không ở chung được!. Tôi chỉ biết khóc.
Tâm sự với chị gái đang định cư ở Pháp (nhà tôi chỉ có hai chị em, bố mẹ tôi ở riêng trong một căn hộ tập thể, còn tôi ở nhà chồng), chị bảo thuê người về chăm bà hay tìm hiểu Trung tâm chăm sóc người cao tuổi hay Viện dưỡng lão nào uy tín thì gửi bà vào. Tim tôi như thắt lại khi nghĩ đến cảnh bà ở một nơi không có người thân, hẳn bà sẽ buồn và cô đơn lắm. Tôi cứ nấn ná, nhưng gia đình chồng lại giục. Thuê người giúp việc cũng chẳng được lâu vì không chịu được khi bà trở tính.
Ðầu óc tôi muốn nổ tung. Tham khảo ý kiến họ hàng và bạn bè, ai cũng khuyên nên đưa bà vào Trung tâm dưỡng lão. Tôi trăn trở, nếu làm vậy có phải chị em tôi bất hiếu và có lỗi với mẹ không? Mong quý báo cho một lời khuyên.
Chị Thúy Hạnh thân mến!
Người ta vẫn nói: "Một mẹ nuôi được mười con chứ mười con không nuôi nổi một mẹ" không chỉ để nói về công ơn người mẹ như trời, biển mà còn có ý là ngay cả chuyện báo hiếu nhiều khi cũng trở nên khó khăn với cả các con. Việc báo hiếu, chăm sóc, đối xử tốt với cha mẹ già không chỉ là trách nhiệm, bổn phận của con cái mà còn thể hiện đạo đức làm người. Ngày nay, bỏ tiền, đưa cha mẹ già vào Viện dưỡng lão, Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhờ chăm nom, thường xuyên đến thăm đã là lựa chọn của nhiều người con bận rộn, không đủ điều kiện ở bên chăm sóc cha mẹ. Không ít chuyên gia xã hội cho rằng, việc bỏ tiền đưa cha mẹ vào Trung tâm, Viện dưỡng lão để hưởng một dịch vụ, có điều kiện chăm sóc sức khỏe khác với chối bỏ trách nhiệm. Chính vì vậy, chúng ta cần nghĩ "thoáng" hơn. Sẽ khổ hơn đối với các cụ già có bệnh trong người mà suốt ngày lủi thủi ở nhà một mình. Nếu đến Trung tâm dưỡng lão, họ sẽ được giao lưu, có người trò chuyện, được sinh hoạt văn hóa, khám, chữa bệnh...
Chúng tôi thấu hiểu và cảm thông trước do dự của chị. Nhưng chị hãy thay đổi cách nhìn. Ở nhiều nước trên thế giới, việc đưa người già vào các Trung tâm, Viện dưỡng lão đã có từ lâu. Tất nhiên, nếp nghĩ bao đời nay của các thế hệ người Việt Nam là người già bao giờ cũng muốn sống cùng con cháu, ở nơi chôn rau cắt rốn của mình. Tuy nhiên, nếu cứ máy móc bám giữ suy nghĩ đó, trong khi bản thân không có điều kiện chăm sóc cha, mẹ chu đáo thì nhiều khi lại là nguồn cơn của những hệ lụy, cảnh huống không mong muốn, thậm chí gây hại cho người thân của mình. Cũng phải nói thêm, đã có những đứa con đẩy trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già cho các Trung tâm, Viện dưỡng lão, nhưng đó chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh". Chúng ta nên cởi mở, nghĩ thoáng hơn để thấy rằng, bảo đảm sức khỏe, an toàn và một đời sống thanh thản, vui vẻ cho đấng sinh thành là trách nhiệm của con cái, dù có điều kiện chăm sóc các cụ ở nhà hay đưa đến Viện dưỡng lão.
Chúc chị chọn được phương cách chăm sóc mẹ tốt nhất trong hoàn cảnh của mình.